Viết là cách đơn giản không ngờ để "giảm tải" (offload) cho trí não.
Tôi nhận ra điều này chỉ khoảng 1-2 năm trở lại đây, và thấy thói quen này thực sự hữu ích cho sức khỏe tinh thần.
Khi đọc xong một quyển sách tâm đắc, tôi thường dành thời gian viết "reflection". Có thể là những đoạn trích hay ho, những cảm xúc tôi đã trải qua, hay có khi đơn giản là một vài tiêu đề nổi bật (cùng với đánh số trang) để sau này tôi có thể truy xuất lại. Một vài người bạn trong công ty tôi thậm chí còn làm "mind-map / sketch-note" để tóm tắt sách.
Một số quyển tôi dành khá nhiều thời gian để viết "reflection", ví dụ như cuốn "Vũ trụ" của Carl Sagan, hay "Lược sử Vạn vật" của Bill Bryson. Tôi từng dành 30 phút mỗi ngày, trong liên tục một tuần, để ghi chép hết ra những điểm ấn tượng từ sách. Sau này, khi mở đọc lại phần "reflection", tôi thậm chí không tin mình đã từng đọc những thứ hay ho như vậy. Tôi nhớ lại mọi thứ sau một thời gian gần như lãng quên.
Tôi là một lập trình viên, khi hoàn thành một đoạn code khó, bao gồm nhiều bước phức tạp, tôi cũng dành thời gian viết "reflection" tương tự. Tôi viết cách mình tư duy, thứ tự trong từng bước, những chỗ quan trọng tôi đã giải được, logic của giải pháp là gì, liệu có thể có cách làm tốt hơn không (nếu có thì tôi cũng chỉ ghi lại để nhắc nhở cho sau này).
Khi đọc lại một số ghi chú trong quá trình phát triển phần mềm (developer note), tôi cũng không tin mình đã từng code được những thứ hay ho như vậy. Những đoạn code mà nếu bây giờ phải sử dụng lại, phải viết lại "như mới", có lẽ tôi cũng sẽ mất không ít thời gian nếu như không tìm thấy những ghi chú của mình trước đó.
Khi trải qua một kỷ niệm đẹp (một chuyến du lịch hay một đoạn tin nhắn thú vị), tôi cũng có thói quen chụp ảnh, chụp màn hình lưu lại. Tôi chỉ đơn giản là không tin là mình có đủ "bộ nhớ" để lưu hết những khoảnh khắc ấy. Nên tôi lưu hình để Facebook hoặc ứng dụng Photos trên iPhone thỉnh thoảng nhắc lại những kỷ niệm.
Tôi có một file ghi chú nhanh trên app Notes của chiếc iPhone, những thứ hay ho mà tôi "bắt gặp" hay "nảy ra", kèm theo vài dòng suy nghĩ lúc đó. Thỉnh thoảng nhìn lại cũng lượm được vài thứ hay ho.
Tôi muốn ghi nhớ những điều tốt đẹp mà không phải cố lưu trữ nó trong đầu mình. Và bạn cũng nên thử làm như vậy.
Bạn đừng quá tin vào trí não của mình, nếu bạn muốn ghi nhớ một điều gì.
Trừ khi bạn có một bộ nhớ khủng, nếu không thì tất cả những thông tin bạn đọc, nghe, thấy, biết chỉ đơn thuần là "cơn gió" thông tin. Để bảo vệ bản thân khỏi bị kích thích quá mức, bộ não của chúng ta lọc và quên đi hầu hết những gì chúng ta tiếp thu. Nếu não bạn mà nhớ tất cả những gì nó đã tiếp nhận, thì có khi bạn đã "tưng tưng" rồi.
Trong vùng não trước đỉnh não (prefrontal cortex), giúp điều khiển quyết định, lập kế hoạch, kiểm soát cảm xúc và hành vi, có các vùng não ngắn hạn và dài hạn. Vùng não ngắn hạn tập trung ở phần trước, trong khi vùng não dài hạn tập trung ở phần sau của vùng này.
Vùng não ngắn hạn đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý thông tin ngắn hạn, quyết định nhanh và kiểm soát hành vi. Vùng não ngắn hạn thường có khả năng ghi nhớ sự vật, sự việc trong khoảng thời gian từ vài giây đến khoảng 30 giây. Đó là thời gian ngắn mà thông tin được lưu giữ tạm thời trước khi được xử lý hoặc chuyển sang vùng não dài hạn để lưu trữ lâu dài.
Trong khi đó, vùng não dài hạn lưu trữ thông tin lâu dài, tham gia vào việc lập kế hoạch, quyết định dài hạn, hoạt động chậm hơn nhưng ổn định và chiến lược hơn. Vùng não dài hạn có khả năng ghi nhớ sự vật, sự việc trong khoảng thời gian kéo dài từ vài ngày đến cả đời. Đây là nơi thông tin được lưu trữ lâu dài và có thể gợi nhớ khi cần thiết trong thời gian dài.
Trong vùng não dài hạn, có khi chúng ta có thể quên một việc gì đó nhưng vẫn được gợi nhớ lại bởi những thứ quen thuộc. Việc kích thích hoặc gợi nhớ thông tin đã được lưu trữ trong bộ não có thể giúp chúng ta khôi phục ký ức một cách dễ dàng hơn. Điều này có thể xảy ra do các cơ chế sau:
Liên kết kiến thức: Việc kích thích thông tin quen thuộc có thể tạo ra một liên kết với thông tin đã quên, giúp chúng ta gợi nhớ lại.
Gợi nhớ từ môi trường: Môi trường xung quanh, như hình ảnh, mùi hương, cảm xúc, âm thanh, kích thích bên trong và bên ngoài cơ thể, mối quan hệ, thói quen, trạng thái tâm lý, sự tập trung... có thể kích thích ký ức và gợi nhớ lại thông tin đã quên
Kích thích não: Sự kích thích thông tin quen thuộc có thể kích hoạt các khu vực não liên quan, giúp kích thích việc gợi nhớ thông tin đó.
Viết "reflection" là 2 trong số 7 kỹ năng quen thuộc để thực hành tăng khả năng ghi nhớ.
7 cách tăng cường khả năng ghi nhớ mà bạn sẽ thấy quen thuộc trong nhiều lời khuyên, đó là:
Học đều đặn, ôn luyện mỗi ngày
Học sử dụng nhiều giác quan
Học đi đôi với hành (biến kiến thức thành của bạn, hoặc tự giải thích lại với người khác)
Ghi chú và tóm tắt thông tin quan trọng
Tạo liên kết, kết hợp thông tin mới với kiến thức cũ
Ngủ đủ giấc
Rèn luyện trí tuệ (đọc sách, giải đố, chơi trò chơi trí tuệ để kích thích não)
Bạn thấy đó, viết "reflection" chính là cách bạn thực hiện kỹ năng "ghi chú, tóm tắt thông tin quan trọng" hoặc ít nhất là tạo sự liên kết, kết hợp thông tin, lập chỉ mục cho trí não (indexing).
Bỏ qua những thứ quá khoa học hay hàn lâm, thì nếu coi bộ não bạn như một bộ nhớ hữu hạn, việc viết ra những thứ trong đầu có thể giúp "giảm tải" cho "bộ nhớ trong", lưu trữ trên "bộ nhớ ngoài" vô hạn (nhật ký, note trên điện thoại, blog cá nhân), để bạn có thể thực thành "làm trống rỗng tâm trí (empty the mind)".
Viết "reflection" giúp bạn nhẹ đầu, thư thái, sẵn sàng cho những kiến thức, kỷ niệm, ký ức mới mẻ hơn. Bạn không còn nỗi sợ "bị quên", bất cứ khi nào cần thì chỉ việc lấy ra đọc lại là bao nhiêu ký ức ùa về. Bạn nhớ lại mọi thứ, cảm thấy mới mẻ và ngạc nhiên với chính mình.
Viết ra những thứ trong đầu là cách hữu ích để làm trống rỗng tâm trí.
Tôi hay nghe, có một lý do ngăn cản nhiều người viết "reflection", đó là "tôi không có đủ thời gian". Nào nào, cho phép tôi so sánh như thế này:
Đã mất công đọc một tác phẩm hay, hoàn thành một thử thách, đã trải qua một kỷ niệm đáng nhớ, mà không chịu dành thêm thời gian để viết "reflection", thì cũng giống như đi ngang qua một cảnh đẹp, mà không rảnh để dừng lại chụp hình.
Bạn có tiếc không?
Khi bạn muốn nhìn lại khoảnh khắc đó, thì không còn gì lưu lại nữa.
Vậy nên, hãy thôi tự bào chữa cho bản thân.
Hãy chậm lại một chút, dành đủ thời gian để ghi lại những gì hay ho, để sắp xếp cất giữ những thứ tốt đẹp. Bạn sẽ không hối hận khi sau này đọc lại đâu.
Bắt đầu với viết rất đơn giản.
Bạn không cần phải là nhà báo hay nhà văn để viết tốt. Bạn chỉ cần hiểu bản thân mình đang muốn "tuôn ra" điều gì. Bạn chỉ cần thành thật với chính mình, viết từ tốn, mỗi lần một ít.
Bạn bắt đầu từng ý một. Bạn viết một câu quan trọng nhất. Rồi bạn từ từ thêm từng câu bên cạnh để diễn giải ý đó. Bạn ngừng lại khi cạn ý. Rồi bạn bắt đầu lại khi có ý. Và cứ như vậy cho đến khi bạn viết xong một "reflection".
Nếu gặp khó khăn trong việc phát ý, bạn có thể thử tham khảo, tự trả lời những câu hỏi gợi ý dưới đây của tôi, là có thể có một bài "reflection" nhẹ nhàng:
🤔
[WHY] TẠI SAO? 1. Tại sao bạn bắt đầu? Tại sao bạn chọn làm việc đó? Tại sao bạn bắt đầu đọc cuốn sách đó?...
🤩
[WHERE & WHO] LÚC ĐÓ MỌI THỨ TRÔNG NHƯ THẾ NÀO? 2. Địa điểm ở đâu? 3. Không gian xung quanh như thế nào? Bầu trời, phong cảnh, ánh sáng, màu sắc, đồ vật? 4. Có những ai ở đó?
🤭
[WHAT & WHEN] ĐIỀU GÌ ĐÃ DIỄN RA? 5. Theo trình tự thời gian, điều gì đã diễn ra? Cái gì trước, cái gì sau? 6. Bạn cảm thấy ấn tượng bởi những khoảnh khắc nào? (câu hỏi này sẽ không cần phải bạn nhớ tuần tự những gì bạn đã trải qua, mà chỉ cần kể ra những gì bất chợt bạn nhớ trong đầu thôi)
😅
[HOW] BẠN CẢM THẤY NHƯ THẾ NÀO? 7. Lúc đó, bạn cảm thấy như thế nào? 8. Tại sao, điều gì đã tạo ra cảm xúc đó? Nó đến từ sự việc vừa diễn ra, hay nó đến từ một sự kiện trong quá khứ?
Bạn thấy thế nào, có dễ hơn cho bạn chút nào trong việc viết ra những gì mình nghĩ không?
Những bài viết đầu tiên thường sẽ rất mất thời gian. Không sao cả, bạn cứ kiên nhẫn thôi. Viết từ từ, rồi bạn sẽ có cảm giác viết giống như thiền. Viết "reflection" là lúc bạn để trí não được thư giãn, giảm tải.
Rồi sẽ đến một ngày, bạn chỉ cần ngồi xuống là chữ sẽ tự tuôn ra.
Tái bút
Tôi giữ nguyên tiêu đề là "Viết 'Reflection'", là bởi vì tôi không tìm được từ tiếng Việt diễn giải tốt hơn cho từ này trong tiếng Anh, vốn là một danh từ khá thịnh hành trong giới trẻ, giới thiền thời gian gần đây.
"Reflection" có thể hiểu là sự quán chiếu, soi chiếu bản thân. Nếu đặt tiêu đề là "Viết nhật ký" hay "Viết ghi chú" thì gần gữi tôi lại e là nó không phản ánh hết mong muốn của tôi về ý nghĩa của thói quen này. Cũng có bạn đề xuất sử dụng "Viết quán chiếu bản thân" thì tôi lại thấy nó không được súc tích cho lắm.
Viết "reflection" có thể không diễn ra hằng ngày, có thể không dài, có thể không có mục đích gì rõ ràng, có thể chỉ đơn giản là một ghi chú cảm xúc, tất cả đều ổn. Do vậy, cho phép tôi giữ nguyên chữ tiếng Anh là "Viết 'Reflection'" trong bài này nhé.